Với những tín đồ sành ăn, bánh khọt không còn là cái tên xa lạ. Tại Vũng Tàu, bánh khọt như một món ăn “quốc dân”, một đặc sản nức tiếng xa gần suốt nhiều năm qua. Trong chuyến du lịch sắp tới, hãy thử thưởng thức bánh khọt Vũng Tàu gây thương nhớ này nhé.
Bánh khọt – cái tên được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trên bản đồ ẩm thực của thành phố Vũng Tàu nói riêng và ẩm thực miền Nam nói chung. Bạn có thể tìm thấy món bánh khọt Vũng Tàu ở khắp mọi nơi tại thành phố biển xinh đẹp này bởi không chỉ ngon, món ăn còn có giá cả rất phải chăng.
Bánh khọt – món ăn gây nhớ thương
Vũng Tàu có rất nhiều món ăn ngon, trong đó món bánh khọt – một thức quà vặt đã nổi tiếng bấy lâu nay không chỉ với người dân địa phương mà còn với cả khách du lịch. Hầu như khách du lịch Vũng Tàu nào cũng đều thưởng thức qua món bánh này khi ghé thăm thành phố này.
Ngay từ cái tên, món bánh đã khiến không ít người tò mò bởi sự độc đáo, nghe lạ tai. Bánh khọt thực chất có nguồn gốc từ món bánh căn của vùng Ninh Thuận, Khánh Hòa, sau đó người dân di cư tới Vũng Tàu và thay đổi cách chế biến để phù hợp với khẩu vị người dân nơi đây. Sở dĩ có cái tên thú vị này bởi khi lấy ra bánh ra khỏi khuôn, tiếng thìa chạm vào thành khuôn tạo ra tiếng kêu “khọt khọt” vui tai. Từ đó, cái tên bánh khọt ra đời.
Trước đây, món bánh khọt thường được các bà nội trợ làm để ăn vặt trong ngày vào dịp cuối tuần hoặc các bữa sum họp gia đình. Lâu dần, cùng với hương vị thơm ngon, dễ ăn nên bánh khọt được bày bán nhiều hơn trên đường phố, trở thành món ăn hấp dẫn khách du lịch Vũng Tàu.
Thoạt nhìn, ấn tượng đầu tiên về bánh khọt Vũng Tàu chính là những chiếc bánh tròn tròn, nhỏ nhỏ, màu vàng ruộm, kích thích vị giác. Bánh khọt trông khá giống bánh bèo nhưng được nướng lên trong khuôn có thêm dầu nên vị giòn hơn, ăn lại rất “bon miệng”. Khách du lịch Vũng Tàu có thể chọn ăn món bánh khọt vào buổi trưa hoặc làm bữa nhẹ lót dạ lúc xế chiều. Vào giờ cao điểm, quán nào quán nấy cũng nườm nượp khách khứa.
Khi ăn, bánh khọt vừa giòn vừa dai bên ngoài, hòa quyện cùng vị thơm ngọt của tôm tươi và nước chấm được pha chế theo công thức riêng chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên. Dù làm từ bột gạo và chiên với dầu nhưng ăn bánh khọt lại không hề bị ngấy. Nhờ hương vị thơm ngon, dễ ăn, bánh khọt đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác nhận là một trong 12 món ăn Việt Nam ấn tượng, có giá trị ẩm thực.
Cách chế biến bánh khọt
Bánh khọt Vũng Tàu trông khá đơn giản và chỉ cần nhìn thôi cũng có thể đoán được các nguyên liệu làm nên món bánh này. Tuy nhiên, thực chất việc chế biến nên món bánh khọt ngon và chuẩn vị nhất lại không phải điều đơn giản, đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ từ người làm bánh.
Nguyên liệu chính tạo nên bánh khọt – đặc sản Vũng Tàu là bột gạo. Pha bột có ngon thì mới tạo nên được món bánh khọt ngon. Mỗi quán lại có một công thức pha bột riêng, theo một tỷ lệ nhất định nhưng không được đặc quá cũng không được lỏng quá. Bột đặc quá dễ khiến bánh bị bở, lỏng quá lại làm bánh bị mỏng, không hấp dẫn. Bột phải được xay từ trước rồi để qua đêm có như vậy khi nướng bánh không bị nhão, chảy, mất đi độ giòn.
Thành phần tiếp theo trong món bánh khọt – đặc sản Vũng Tàu không thể bỏ qua chính là nhân bánh, được chế biến từ nhiều loại hải sản khác nhau. Nhân bánh truyền thống vẫn là tôm nhưng ở nhiều hàng quán người ta bày bán thêm cả nhân hàu, mực hay thịt... cho thực khách thoải mái chọn lựa.
Mỗi chiếc bánh là một con tôm tươi ngon, đã bóc vỏ để lộ ra vẻ hồng hào, dày thịt, nằm nổi bật kích thích ánh nhìn trên chiếc bánh tròn vàng ruộm. Bánh khọt Vũng Tàu được nướng trên một chiếc mâm to, có khoét tròn lõm bằng kích thích chiếc bánh. Đầu bếp thoa dầu đều lên khuôn rồi đổ bột, thêm tôm và nướng bánh. Khâu này cũng đòi hỏi sự khéo léo từ người người làm bánh để chiếc bánh được chín đều, giòn tan mà không bị vỡ hay cháy.
Bánh vừa chín tới sẽ được gắp ra đĩa, rắc thêm lên trên một ít hành tươi, tôm cháy cho đẹp mắt. Nước chấm cũng rất quan trọng, được pha chua ngọt sao cho vừa. Thực khách có thể bỏ thêm một chút ớt cay để thưởng thức đặc sản Vũng Tàu này thêm nồng nàn, đậm vị hơn. Một chiếc bánh khọt Vũng Tàu ngon phải có độ dày vừa phải, màu vàng sậm, cháy nhẹ ở cạnh bánh. Khi cắn vào bánh, thực khách sẽ cảm nhận được độ giòn tan bên ngoài còn bên trong thì lại mềm mại, bùi bùi thơm mùi hải sản và mỡ hành.
Cách ăn bánh khọt Vũng Tàu chuẩn nhất
Có nhiều cách ăn bánh khọt khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là ăn khi nóng hổi. Đơn giản, thực khách có thể chỉ cần chấm vào nước mắm chua ngọt và ăn được luôn. Nếu là một tín đồ sành ăn, để món bánh khọt thêm ngon và không bị ngấy, bạn cuốn bánh trong rau xà lách, rồi cho các rau sống như tía tô, diếp cá, cải bẹ xanh... cuốn chặt lại và chấm vào nước mắm. Vị giòn giòn tan của bánh kết hợp cùng vị mát mát từ các loại rau và nước mắm chua chua ngọt ngọt sền sệt khiến thực khách nào cũng phải tấm tắc khen ngon.
Hãy thử tưởng tượng vào buổi chiều lộng gió tại thành phố biển Vũng Tàu, thưởng thức những chiếc bánh khọt nóng hổi, thơm lừng, lấy lại năng lượng sau hành trình khám phá du lịch vừa ngắm cảnh đẹp thì còn gì bằng.
Đặt vé máy bay, tour du lịch, khách sạn trực tuyến giá rẻ, khuyến mãi hấp dẫn từ các công ty du lịch uy tín và chất lượng tại Việt Nam. Khuyến mại du lịch HOT.
Vé máy bay giá rẻ Đặt xe online